Liên Sở Tài chính - Tài nguyên Môi trường vừa đề xuất UBND TPHCM tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 lên 0,4 lần so với năm 2018. Cơ sở đề xuất tăng là do nhận định giá thị trường chuyển nhượng nhà đất hiện nay cao hơn gấp 4 đến 6 lần Bảng giá đất của thành phố.
UBND TPHCM cho biết đã có Tờ trình số 585/TTr-UBND gửi Hội đồng Nhân dân thành phố (HĐND) thành phố "Về ban hành quy định về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh".
Theo tờ trình này, UBND TP đã thống nhất đề nghị xếp quận 2 vào Khu vực 2, cùng nhóm với quận 7 nhằm đảm bảo sự công bằng khi thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước.
Đồng thời, UBND TPHCM đã thống nhất với đề nghị của Liên Sở Tài chính - Tài nguyên Môi trường đề xuất tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 lên 0,4 lần so với năm 2018.
Theo Liên Sở này, cơ sở để tăng hệ số điều chỉnh giá đất lên 0,4 lần xuất phát từ nhận định giá thị trường chuyển nhượng nhà đất hiện nay cao hơn gấp 4 đến 6 lần Bảng giá đất của thành phố và hệ số điều chỉnh giá đất đối với đất ở để tính bồi thường trên địa bàn thành phố hiện nay tính bình quân là 4,75.
TPHCM: Giá nhà đất thực tế gấp 4-6 lần bảng giá đất
Nhiều ý kiến cho rằng, phải chăng việc tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 lên 0,4 lần không chỉ do chênh giá so với thực tế mà còn là để đảm bảo nguồn thu ngân sách?
Bởi lẽ, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là nguồn thu quan trọng của ngân sách, thế nhưng, trong 2 năm gần đây, tình hình thu ngân sách từ đất trên địa bàn thành phố có xu thế bị sụt giảm.
Theo tài liệu của Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), năm 2017, thu ngân sách từ đất là 27.170 tỷ đồng, chiếm 11,75% tổng thu ngân sách. Trong đó, số thu tiền sử dụng đất dự án là 17.905 tỷ đồng, chiếm 66% tổng nguồn thu về đất.
Năm 2018, tổng thu ngân sách TPHCM là 378.543 tỷ đồng đạt 100,47% dự toán. Trong đó, thu ngân sách từ đất khoảng 22.600 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,32% tổng thu ngân sách. Trong đó, số thu tiền sử dụng đất dự án là 13.868 tỷ đồng, chỉ còn chiếm 61,3% tổng thu về đất.
Số thu ngân sách từ đất năm 2018 so với năm 2017, đã giảm khoảng 4.570 tỷ đồng, giảm 16,8%. Riêng số thu tiền sử dụng đất dự án giảm khoảng 4.037 tỷ đồng, giảm đến 22,5%. Tỷ trọng nguồn thu từ đất trong tổng thu ngân sách của thành phố năm 2018 đã giảm 2,43% (từ 11,75% năm 2017 xuống còn 9,32% năm 2018).
"Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu nguồn thu ngân sách và cũng là một căn cứ để thành phố xem xét, quyết định hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm. Tuy nhiên, tôi đề nghị mức tăng cần đảm bảo tính hợp lý, vừa phù hợp giá thị trường, đảm bảo nguồn thu ngân sách và vừa sức dân cũng như doanh nghiệp. Nếu hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 tăng cao thì sẽ tác động đến nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các hộ gia đình và cá nhân kể từ năm 2020 trở về sau", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA phân tích.
Trước việc UBND TPHCM có tờ trình HĐND TP tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 lên 0,4 lần so với năm 2018, HoREA cho rằng cần thận trọng.
HoREA đề xuất thành phố tiếp tục xem xét, quyết định áp dụng mức tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 tương đương cách tính mức tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2018 theo Quyết định 09/2018/QĐ-UBND (tăng từ 5%-8,33%), vì mức đề xuất tăng lên 0,4 lần của Liên Sở Tài chính - Sở Tài nguyên Môi trường là quá cao và chưa hợp lý.
Trong trường hợp thành phố cân đối được nguồn thu ngân sách cho năm 2019, không phụ thuộc nguồn thu ngân sách từ đất (vì chỉ chiếm khoảng trên dưới 10%), thì HoREA đề nghị HĐND, UBND TPHCM cân nhắc giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 như năm 2018.
Theo Dân trí