Sắp siết tín dụng cho phân khúc bất động sản cao cấp

Ngân hàng Nhà nước cho biết việc sửa quy định nhằm hạn chế tín dụng cho phân khúc bất động sản cao cấp.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo lấy ý kiến với Thông tư quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Một trong những nội dung sửa đổi so với Thông tư 36 trước đó là thay đổi quy định về hệ số rủi ro với các khoản vay bất động sản.

Theo dự thảo mới, hệ số rủi ro mà các nhà băng phải áp dụng khi trích lập dự phòng cho các khoản vay cá nhân dư nợ từ 3 tỷ đồng sẽ là 150%.

Trong phần giải trình, cơ quan điều hành cho biết nội dung mới sẽ gián tiếp yêu cầu các nhà băng dự trữ thêm vốn đối với lĩnh vực bất động sản có tiềm ẩn rủi ro. Đồng thời, nội dung này cũng nhằm kiểm soát cho vay cá nhân liên quan đến bất động sản để mua nhà ở phân khúc cao cấp.

[caption id="attachment_50740" align="aligncenter" width="960"]Sắp siết tín dụng cho phân khúc bất động sản cao cấp Giao dịch tại một ngân hàng thương mại cổ phần tại TP HCM.[/caption]

Ngân hàng Nhà nước cũng áp hệ số rủi ro 50% với các khoản vay được bảo đảm bằng nhà ở, quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất và đáp ứng một trong những điều kiện: phục vụ hoạt động kinh doanh, khoản cho vay cá nhân để mua nhà ở xã hội, mua nhà theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ và khoản vay cá nhân mua nhà có giá trị nợ gốc dưới 1,5 tỷ đồng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc điều chỉnh này xuất phát từ chủ trương của Chính phủ về hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản, an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng và đề xuất mới đây của Bộ Xây dựng. Trong đó, đơn vị chủ quản đề xuất Ngân hàng Nhà nước "kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản theo hướng thắt chặt nguồn tín dụng, giảm hạn mức cho vay đối với các dự án bất động sản cao cấp và một chủ đầu tư có nhu cầu vay số lượng lớn cho nhiều dự án bất động sản...".

Đồng thời, quy định về tăng hệ số rủi ro này cũng là một thông điệp để các ngân hàng, chi nhánh NHNN sớm chuẩn bị cho việc tuân thủ Thông tư 41 kể từ ngày 1/1/2020. 

Những điều khoản mới cũng yêu cầu các nhà băng thận trọng, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với cho vay phục vụ đời sống nhưng sử dụng vốn vay vào mục đích kinh doanh bất động sản, từ đó giảm thiểu rủi ro khi thị trường bất động sản có biến động mạnh theo chiều hướng xấu. 

Dự thảo Thông tư yêu cầu ngân hàng, chi nhánh NHNN phải xây dựng biện pháp và kế hoạch xử lý để đảm bảo đáp ứng quy định sau thời hạn tối đa 6 tháng kể từ ngày Thông tư có hiệu lực.

Theo Vnexpress