Quý I/2019, kỳ vọng hiệu quả doanh nghiệp sáng hơn

Thông tin về kết quả quý I/2019 đang dần được các doanh nghiệp công bố, bước đầu cho thấy có sự phân hóa diễn ra ngay trong từng ngành, nhưng gam màu sáng đang chiếm chủ đạo.

 

Nhiều Doanh nghiệp dầu khí khởi sắc

 

Nhóm cổ phiếu dầu khí đã có chuỗi giao dịch khá ấn tượng, ngay cả khi thị trường điều chỉnh giảm thì nhiều cổ phiếu dòng P vẫn “xanh” như PVS, GAS, PVD… Một số cổ phiếu thậm chí nhuộm màu “tím” như PXS. Kết quả kinh doanh quý I/2019 của các doanh nghiệp trong ngành này có tiếp tục tạo động lực để giữ nhịp tăng trưởng cho cổ phiếu?

 

quy-i-khoi-sac

 

Thông tin từ Tổng CTCP Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam - PTSC (PVS) cho biết, quý I/2019, doanh thu hợp nhất ước đạt 3.800 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2018; lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt 350 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2018.

 

Theo đại diện PVS, lợi nhuận quý I/2019 khởi sắc một phần do hợp đồng cung cấp dịch vụ ký với các đối tác được duy trì ổn định, sự hồi phục của giá dầu đã giúp Công ty có hiệu quả kinh doanh tốt hơn. Dù vậy, Công ty vẫn rất thận trọng trong việc đặt kế hoạch kinh doanh năm 2019 khi đặt mục tiêu doanh thu 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 700 tỷ đồng. Các chỉ tiêu này đều tương đương với kế hoạch của năm 2018. Nếu chỉ tính chỉ tiêu lợi nhuận thì Công ty đã hoàn thành 50% trong quý I.

 

Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (GAS) ghi nhận mức lợi nhuận quý I/2019 là 2.900 tỷ đồng, hoàn thành 38% kế hoạch năm. Đại hội đồng cổ đông của GAS mới đây đã thông qua kế hoạch doanh thu 63.908 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 7.643 tỷ đồng, tương ứng với việc giảm 16% về doanh thu và lợi nhuận giảm 35% so với năm 2018. Về sản lượng, GAS có kế hoạch đưa vào 9,75 tỷ m3 khí ẩm, trong đó chủ yếu là hệ thống khí Nam Côn Sơn với sản lượng 6,5 tỷ m3. Kế hoạch tiêu thụ khí khô là 9,35 tỷ m3, Condensate là 62.000 tấn và LPG công ty mẹ là 1,22 triệu tấn. Kế hoạch của GAS năm 2019 dựa trên giả định giá dầu ở mức 65 USD/thùng.

 

Hoạt động kinh doanh cũng liên quan đến biến động giá dầu, nhưng  Tổng CTCP Vận tải dầu khí - PVTrans (PVT) ít chịu tác động hơn nhiều doanh nghiệp khác trong ngành. Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc PVT cho biết, hiệu quả tăng trưởng đều ở các mảng trong các tháng đầu năm của quý I/2019 đã giúp PVT hoàn thành vượt chỉ tiêu quý đầu năm. Doanh thu quý I/2019 toàn Tổng công ty ước đạt 1.818 tỷ đồng, tương đương 146% kế hoạch quý I; lợi nhuận trước thuế ước đạt 210 tỷ đồng, tương đương 191% kế hoạch quý.

 

Sang quý II/2019, PVT tiếp tục đầu tư 1 tàu chở hàng rời khoảng 50.000 - 80.000 DWT và 1 tàu chở dầu sản phẩm/hóa chất khoảng 10.000 - 20.000 DWT.

 

"Bên cạnh đó, Công ty sẽ tìm kiếm các nguồn vốn để thúc đẩy công tác đầu tư phát triển, tăng thêm phương tiện vận tải, tăng cường cung cấp các dịch vụ vận tải hàng hóa trên cơ sở năng lực hiện có“, ông Việt Anh cho biết.

 

Chưa công bố kết quả kinh doanh quý I/2019, song theo đại diện Tổng CTCP Khoan và Kỹ thuật Khoan dầu khí - PVD), Công ty có nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. So với kết quả kinh doanh quý I/2018 với mức lỗ 239,3 tỷ đồng,  năm 2017, PVD lỗ 301,4 tỷ đồng,  thì diễn tiến hoạt động quý I/2019 khả quan hơn rất nhiều. Đại diện PVD cho biết, vấn đề lớn nhất đối với Công ty hiện nay chính là các khoản thu nợ, đây là mấu chốt dẫn đến việc thua lỗ của PVD trong thời gian qua. Chỉ cần thu hồi các khoản nợ thì lợi nhuận của PVD sẽ vượt xa so với kết hoạch.

 

Trong khi PVD đặt kế hoạch 2019 ở mức không lỗ thì trong một báo cáo gần đây, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo, PVD có thể đạt hơn 8 triệu USD lợi nhuận trong năm 2019. VCSC điều chỉnh lợi nhuận sau thuế cốt lõi 2019 của PVD đạt 8,1 triệu USD so với dự báo lỗ 1,9 triệu USD trước đây, giả định mức giá thuê tăng 8% và hiệu suất hoạt động đạt 95% so với 85% trong năm 2018. Trong đó, lãi ròng sau lợi ích cổ đông thiểu số báo cáo dự phóng 2019 cũng được hỗ trợ bởi lợi nhuận bất thường từ thu hồi nợ xấu.

 

Đại diện PVD chia sẻ, hiệu quả hoạt động của Công ty phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố nên khó có thể đưa ra một con số cụ thể, mục tiêu của PVD trong năm 2019 vẫn tương tự như năm 2018 là không lỗ, còn lợi nhuận thực tế thì phải sau quý III/2019 mới có thể có hình dung cụ thể hơn. Năm 2019, PVD dự báo sẽ ký được nhiều hợp đồng dài hạn hơn so với năm 2018. Trong đó, giàn khoan PVD II và PVD III đã ký được hợp đồng dài hạn (6 tháng đến 1 năm) để hoạt động tại Malaysia.

 

Tại CTCP Kết cấu kim loại và Lắp máy dầu khí (PSX), lãnh đạo Công ty cho biết, lợi nhuận quý I/2019 của Công ty không nhiều khả quan do đang ở mùa “thấp điểm”.  Cổ đồng PXS đang lo ngại về tình trạng “no dồn, đói góp” tại PXS, bởi hiện tại, các hợp đồng lớn đã kết thúc và nghiệm thu bàn giao, trong khi Công ty đang đứng trước áp lực tìm kiếm hợp đồng mới.

 

Đến các doanh nghiệp ngành khác

 

Ngành dệt may được kỳ vọng nhiều trong năm 2019, khi Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực. Hiệu quả của nhóm doanh nghiệp dệt may cũng được đánh giá sẽ tăng mạnh nhờ xu hướng chuyển đổi sản xuất đơn hàng, sản phẩm từ gia công đơn thuần, giá trị gia tăng thấp sang phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn.

 

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Như Tùng, thành viên Hội đồng quản trị CTCP Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (TCM) cho biết, tính đến hết quý I/2019, Công ty ước đạt tổng doanh thu 42 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2018; lợi nhuận sau thuế ước đạt 2,8 triệu USD, tăng 36% so với cùng kỳ.

 

Ông Tùng cho hay, Công ty đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất vải dệt để tăng kim ngạch xuất khẩu. Hiện thị trường xuất khẩu chủ lực của TCM là Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Trong đó, xuất khẩu sang Hàn Quốc và Trung Quốc chủ yếu đến từ đơn hàng của các công ty trong Tập đoàn E-Land (chiếm 25 - 29% doanh thu).

 

Bên cạnh đó, hoạt động tái cấu trúc sản xuất, năng suất lao động tăng tại nhà máy Vĩnh Long (từ mức 26 - 27 USD/người/ngày lên mức 30 - 36 USD/người/ngày), nâng công suất mảng vải - mảng có biên lợi nhuận cao - nhờ mua thêm xưởng may ở Trảng Bàng... sẽ giúp nâng biên lợi nhuận.

 

Tại CTCP Sợi Thế Kỷ (STK), quý I/2019 ước đạt doanh thu 605 tỷ đồng, tăng 3% và lợi nhuận sau thuế 51 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ đóng góp của sợi tái chế. Chiến lược của STK là chiếm lĩnh thị phần ở các phân khúc khách hàng khác, thay vì chủ yếu ở phân khúc cao cấp như các năm trước.

 

Một số doanh nghiệp trong các ngành khác cũng ghi nhận kết quả kinh doanh quý I/2019 với những con số đột biến và mức tăng trưởng tính bằng lần. Đơn cử, CTCP Nhựa và Môi trường xanh An Phát (AAA) ước đạt lợi nhuận trước thuế 270 tỷ đồng, gấp 4 lần so với cùng kỳ 2018.

 

Lợi nhuận đột biến của AAA đến từ hoạt động xuất khẩu, tăng mạnh kể từ đầu năm 2019. Riêng trong tháng 3, đà tăng trưởng xuất khẩu của Công ty tiếp tục duy trì với 8.500 tấn xuất đi nước ngoài, tăng 120% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Bên cạnh đó, dự án Khu công nghiệp An Phát Complex của Công ty cũng mang về kết quả khả quan trong quý I. Tại Đại hội đồng cổ đông tuần tới, Hội đồng quản trị AAA dự kiến trình cổ đông kế hoạch 10.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 25% và lợi nhuận sau thuế 510 tỷ đồng, tăng 280% so với năm 2018.

 

Về nhóm doanh nghiệp ngành thép, đây là nhóm được dự báo sẽ chịu nhiều áp lực cạnh tranh từ thép nhập khẩu khi sản phẩm từ các nước trong khu vực xuất sang với mức thuế 0% đối với phôi thép. Trung Quốc đã bỏ đánh thuế xuất khẩu trên phôi thép vuông từ ngày 1/1/2019 nhằm thúc đẩy xuất khẩu cũng là yếu tố tác động không nhỏ tới diễn biến giá thép.

 

Lợi nhuận doanh nghiệp ngành thép dự báo sẽ có sự phân hóa mạnh. Tại CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), quý I/2019, HPG lãi 1.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại CTCP Thép Việt Ý (VIS), Hội đồng quản trị mới đây đã phê duyệt kế hoạch doanh thu gần 4.862 tỷ đồng, bằng 93% mức thực hiện năm trước và dự kiến thua lỗ 92,54 tỷ đồng trong năm 2019.       

Theo TNCK