Giám đốc điều hành thị trường vốn & dịch vụ đầu tư tại châu Á của Colliers cho biết mức đầu tư vào BĐS sẽ tăng 10% đến 15% từ giờ đến hết năm. Ước tính khối lượng giao dịch sẽ đạt từ 196 đến 205 tỷ đô la, cao hơn so với mức 178 tỷ đô la của năm 2020.
Ông Tim Graham - người đứng đầu mảng chiến lược vốn châu Á - Thái Bình Dương của JLL cũng tin tưởng vào mức tăng này. Trong khi đó, trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của CBRE dự báo thận trọng hơn với mức từ 5% đến 10% trong năm nay.
Sự gia tăng đầu tư vào bất động sản khu vực là một phần trong xu hướng chuyển dịch tiếp cận các loại tài sản tư nhân của nhà đầu tư trên toàn cầu. CBRE ước tính chỉ riêng các quỹ đầu tư tư nhân sẽ có 300 tỷ đô la dành cho giao dịch bất động sản. Vốn đổ vào bất động sản ước tính chiếm 10,9% tổng giá trị tài sản của các tổ chức đầu tư trên toàn cầu vào năm 2022.
Ông Graham cũng cho rằng: “Trong thập kỷ qua, các hoạt động của thị trường bất động sản tại châu Á - Thái Bình Dương đã tăng nhanh hơn 2 đến 3 lần so với tốc độ tăng trưởng ở khu vực EMEA (châu Âu, Trung Đông và châu Phi) và Mỹ”. Các nhà đầu tư trên toàn cầu bị thu hút bởi sự mở rộng của các giao dịch trong khu vực, dựa trên hình thức tái vốn và liên doanh là phổ biến.
Các dòng vốn bên trong khu vực đổ vào bất động sản cũng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Theo khảo sát của CBRE được công bố vào tháng 4/2021, 59% số người được hỏi cho biết sẽ tăng vốn đầu tư so với năm ngoái, chỉ 8% cho biết họ sẽ đầu tư ít hơn. Dòng vốn xuyên biên giới từ các nhà đầu tư châu Á cũng đang tăng lên. Trong quý 1/2021, các nhà đầu tư đã rót 3,3 tỷ USD vào bất động sản, cao hơn 31% so với cùng kỳ năm 2020.
Sự quan tâm từ nhà đầu tư châu Âu
Thị trường bất động sản châu Á với sức hấp dẫn lớn cũng thu hút nhiều nhà đầu tư ở ngoài khu vực. Tháng 6/2020, công ty quản lý tài sản và đầu tư bất động sản Allianz Real Estate thuộc tập đoàn tài chính Allianz (Đức) đã công bố quan hệ đối tác chiến lược với quỹ Dịch vụ Hưu trí Quốc gia (NPS) của Hàn Quốc. Họ đã xây dựng một nền tảng đầu tư trị giá 2,3 tỷ đô la, có khả năng tăng vốn lên 4,6 tỷ đô la để phát triển danh mục đầu tư đa dạng gồm các bất động sản chất lượng cao ở vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo Danny Phuan - người đứng đầu bộ phận thu mua của Allianz Real Estate tại châu Á - Thái Bình Dương thì thị trường khu vực vẫn tiếp tục sôi động bất chấp ảnh hưởng của Covid-19. Động lực này đến từ các yếu tố cơ bản về kinh tế vĩ mô và nhân khẩu học dài hạn trong khu vực, mức tiết kiệm và đầu tư cơ sở hạ tầng cao.
Hiện thanh khoản bất động sản vẫn ở mức cao, dẫn đến sự cạnh tranh và gia tăng giá trị vốn đầu tư trên hầu hết các lĩnh vực. Các chủ sở hữu bất động sản tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương vì vậy vẫn được vốn hóa tốt và lợi ích đầu tư ở mức cao.
Nguồn: Cafeland