Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 đã thông qua Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD), có hiệu lực thi hành trong vòng 5 năm, bắt đầu từ ngày 15/8/2017. Nghị quyết được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế, duy trì việc hoạt động bình thường của các TCTD.
Hơn 90.000 tỷ đồng nợ xấu trong xây dựng cơ bản
Theo thống kê, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến hết ngày 31/12/2016, nợ xấu nội bảng của các TCTD đã lên đến 160.000 tỷ đồng, chiếm 2,52% tổng dư nợ. Tổng nợ xấu mà Công ty mua bán nợ VAMC đã mua nhưng chưa xử lý được là 195.000 tỷ đồng, chiếm 3,39% tổng dư nợ. Tổng nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được trên 345.000 tỷ đồng, chiếm 5,8% tổng dư nợ. Tính gộp tổng nợ xấu nội bảng và nợ xấu mà Công ty mua bán nợ VAMC đã mua nhưng chưa xử lý được và nợ có nguy cơ cao trở thành nợ xấu trên cơ sở tính toán thận trọng của Ngân hàng Nhà nước thì chiếm khoảng 10,08% trên tổng dư nợ cho vay. Trong điều kiện áp dụng đồng bộ các giải pháp hạn chế nợ xấu thì hàng năm nợ xấu vẫn phát sinh thêm 1,3 - 1,5% trên tổng dư nợ do các nguyên nhân khách quan, chủ quan.
[caption id="attachment_8487" align="aligncenter" width="500"]
Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD được thông qua đã tác động mạnh lên thị trường BĐS.[/caption]
Cùng với đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng bình quân mỗi năm khoảng 16% trong 5 năm tới (riêng năm 2016 tăng trưởng tín dụng 18,71%; năm 2017 dự kiến mức tăng trưởng tín dụng cao hơn) thì dự kiến trong 5 năm tới sẽ phát sinh thêm nợ xấu khoảng 350.000 tỷ đồng, tổng nợ xấu sẽ lên đến khoảng 600.000 tỷ đồng cần phải được xử lý hiệu quả, mà không gây tác động tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế.
Cùng với đó, nợ xấu còn bao gồm cả hơn 90.000 tỷ đồng nợ đọng trong xây dựng cơ bản suốt nhiều năm qua. Điều này có liên quan mật thiết đến thị trường bất động sản (BĐS) và các ngành có liên quan đến BĐS. Nợ xấu cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhiều dự án BĐS hiện đang “ngủ đông”. Chỉ tính riêng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã có khoảng 500 dự án ngừng triển khai.
Phải công khai, minh bạch trong xử lý nợ xấu
Về nguyên tắc xử lý nợ xấu, Nghị quyết cũng nêu rõ: phải đảm bảo công khai, minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống, đồng thời không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu.
Cùng với đó, Nghị quyết nêu rõ về việc mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu. Cụ thể, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được mua khoản nợ xấu đang hạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của TCTD, trừ TCTD liên doanh và TCTD 100% vốn nước ngoài. Được chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá thị trường theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Cần phân nhóm để xử lý nợ xấu
Theo Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, việc xác định nợ xấu thông qua phương pháp định tính và định lượng, việc phân nhóm cũng được đề cập. Cụ thể, sẽ chia làm 3 nhóm trong xử lý nợ xấu (nhóm nợ dưới tiêu chuẩn, nhóm nợ nghi ngờ, nhóm nợ có khả năng mất vốn). Theo đó, đối với nhóm nợ dưới tiêu chuẩn là các khoản nợ được các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá là không có khả năng thu hồi nợ gốc và lãi khi đến hạn. Nhóm nợ nghi ngờ là các khoản nợ được TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá là có khả năng tổn thất cao. Nhóm nợ có khả năng mất vốn là các khoản nợ được TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá là không còn khả năng thu hồi, mất vốn. Nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra nhưng quá thời hạn thu hồi trên 60 ngày mà chưa thu hồi được.
Còn theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu, nợ xấu thường được bảo đảm bằng tài sản thế chấp là BĐS, dự án BĐS, nhà ở đã hoàn thành, nhà ở hình thành trong tương lai. “Nợ xấu”, nhưng “tài sản bảo đảm không xấu” vì thông thường BĐS khi thế chấp để vay tín dụng chỉ được tổ chức tín dụng trị giá phổ biến ở mức trên dưới 60% giá trị thực. Tài sản bảo đảm của nợ xấu có thể là tài sản của người đi vay, có thể là tài sản của bên thứ ba (người bảo lãnh vay tín dụng), cũng có trường hợp là căn hộ của người mua nhà trong dự án mà chủ đầu tư đã thế chấp cho tổ chức tín dụng. Do vậy, khi xử lý nợ xấu đề nghị cần xem xét bao quát các vấn đề nêu trên.
Theo PV