Từ đất dự án cho đến thổ cư các huyện hứa hẹn lên quận được môi giới liên tục báo giá tăng, cá biệt có nơi tăng 50% so với 2018.
Anh Tuấn (Đống Đa, Hà Nội) được một "cò" đất mời đầu tư đất Đông Anh với những lời quảng cáo hấp dẫn, như một số nơi đã tăng giá 30-50% trong ba tháng qua. Nhận định "sóng" thị trường vẫn đang mạnh sau thông tin có đề xuất lên quận, môi giới khuyên anh Tuấn rót tiền vào khu vực này, đồng thời cam kết khoảng nửa tháng sau có thể bán với mức lời 2 đến 5 giá trên mỗi m2 đất, tùy vị trí.
Khảo sát của VnExpress, từ đầu năm 2019, khi có thông tin Hà Nội đề xuất chuyển 4 huyện gồm Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm lên quận, bất động sản ở các địa phương này có chiều hướng sôi động hơn khi hút lượng lớn môi giới, nhà đầu tư.
[caption id="attachment_51411" align="aligncenter" width="960"] Biển rao bán đất xuất hiện ở nhiều nơi tại Đông Anh. Ảnh: Nguyễn Hà[/caption]Theo nghiên cứu của Batdongsan.com.vn - một website chuyên đăng tin mua - bán bất động sản, trong ba tháng đầu năm, Đông Anh là khu vực có mức độ tìm kiếm cao nhất. Anh Bình, một môi giới bất động sản chuyên khu vực Đông Anh cho biết, so với cuối năm 2018, giá đất tại đây hiện tăng khoảng 2 - 6 triệu đồng mỗi m2, tuỳ từng vị trí. Cá biệt có một số nơi tăng tới 50%.
Khu vực đắt nhất ở Đông Anh hiện là khu vực chân cầu Vĩnh Ngọc. Tại đây, giá những lô đất mặt đường rộng 8 m hiện vào khoảng 180 đến 190 triệu đồng mỗi m2, tăng khoảng 10 triệu đồng so với cuối năm 2018. Vào trong những con ngõ nhỏ hơn, rộng 2 - 3 m, giá dao động từ 30 đến 60 triệu đồng mỗi m2. Tuy nhiên, môi giới này cũng cho biết, thực tế chủ nhân những lô đất ở các này không có nhu cầu bán bởi hầu hết họ mua để đầu tư lâu dài.
Tại thị trấn Đông Anh có giá đất thổ cư tuyến đường lớn theo lời môi giới hiện vào khoảng 100 - 120 triệu đồng mỗi m2, tăng 10 - 15 giá so với cuối năm ngoái, song cũng ít người rao bán. Anh Bình cho biết, đất rao bán hầu hết nằm trong các con ngõ nhỏ, trong đó có nơi tăng tới 30% so với trước Tết, từ mức 40 triệu đồng lên 55 triệu. Một số khu vực xa hơn như Bắc Hồng, Võng La... giá rao bán cũng 2 đến 5 triệu đồng lên 10 - 17 triệu đồng mỗi m2.
[caption id="attachment_51412" align="aligncenter" width="960"] Văn phòng môi giới xuất hiện nhiều tại Đông Anh, song đa phần đều cửa đóng then cài, không có người túc trực. Ảnh: Nguyễn Hà[/caption]Anh Bình chia sẻ, từ đầu năm 2019, đặc biệt khoảng nửa cuối tháng 2 đến đầu tháng 3, tại Đông Anh xuất hiện tình trạng mỗi tuần một giá. Có những lô đất mà trong một tuần chủ nhà đòi tăng vài triệu mỗi m2.
Tuy nhiên, theo anh Quân, một môi giới khác nhận định đất Đông Anh mấy tháng gần đây có sôi động hơn, nhưng không sốt bởi thực tế có nhiều lô đất chủ nhà gửi anh rao bán nhiều tháng vẫn không được. Những lô đất vừa qua được giao dịch nhiều chủ yếu có diện tích nhỏ, pháp lý đầy đủ.
"Nếu chỉ nhìn vào giá rao bán mà đánh giá thị trường sốt thì rất thiếu độ tin cậy. Người bán đôi khi nghe tin đồn sốt đất rồi chạy qua chạy lại hỏi hàng xóm, sau đó rao giá cao lên, chứ thực tế không phải cứ đưa ra giá đó là có người mua. Bởi vậy không thể gọi là sốt được", anh Quân chia sẻ.
Tình trạng giá rao bán tăng cũng diễn ra tại các huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm. Tại một số khu đô thị bỏ hoang, đầu năm 2018, đất nền giá chỉ 18 - 20 triệu mỗi m2, nhưng sau thông tin huyện lên quận, đất ở đây tăng lên 37 - 38 triệu đồng. Một số dự án "đắp chiếu" hoặc các căn nhà bỏ hoang ở khu vực Nam An Khánh có giá rao bán cũng tăng 500 - 800 triệu đồng, với diện tích dao động từ 60 đến 90 m2.
Có những dự án "đắp chiếu" 10 năm nay ở khu vực vành đai 3,5 cũng bắt đầu được nhà đầu tư rao bán trở lại với kỳ vọng tăng giá và lượng giao dịch. Mức giá dao động từ 16 đến 36 triệu đồng, tùy từng vị trí. Ở khu vực Vân Canh, An Khánh, đường 32, đất thổ cư cũng tăng 2 - 5 triệu đồng.
Tại Gia Lâm, giá đất thổ cư ở khu vực Trâu Quỳ, giá rao bán môi giới đưa ra hiện cũng vào khoảng 35 - 45 triệu đồng mỗi m2, tăng khoảng 5 đến 10 triệu đồng so với gần một năm trước... Ở khu vực Ngũ Hiệp, Tứ Hiệp (Thanh Trì) giá rao bán một số dự án phân lô dao động 55 - 65 triệu đồng mỗi m2, trong khi nửa năm trước chỉ vào khoảng 35 đến 40 triệu đồng.
"Đó chỉ là giá rao bán, chưa chắc có giao dịch. Thực tế giá giao dịch được sau khi thương lượng chỉ tăng khoảng 5 - 7% so với cuối năm ngoái", một môi giới cho biết, đồng thời bật mí thời gian qua giao dịch có sôi động hơn, song không sốt bởi cũng nhiều đất rao bán.
Ông Nguyễn Văn Đính - Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cảnh báo nhà đầu tư trước những thông tin sốt đất. Ông thừa nhận thông tin các huyện được đề xuất lên quận sẽ kích thích các nhà đầu tư và môi giới tập trung về đó. Tuy nhiên, bất động sản một khu vực có tăng trưởng tốt hay không quan trọng là cơ sở hạ tầng ở đó sẽ phát triển như thế nào; các dự án ở đó có được triển khai và có người đến ở hay không. Do đó, mức giá bất động sản đón đầu quy hoạch thường không đảm bảo tính chắc chắn.
"Không phải cứ lên quận là giá cả huyện đó sẽ tăng ngay. Do đó, nếu đầu tư theo trào lưu lại đúng lúc giá đẩy lên cao thì dễ bị sa lầy", ông Đính nói.
Còn ông Dương Đức Hiển, Giám đốc Bộ Phận Kinh doanh nhà ở Savills Hà Nội cũng cho biết, vào đầu mỗi năm thường có những đợt tăng giá tại một số khu vực đất nền đang phát triển. Bên cạnh đó, các huyện nói trên khi có thông tin được quy hoạch lên quận sẽ bị các nhà đầu tư, môi giới tung thông tin, tác động để tìm cách đẩy thị trường và trục lợi trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, ông khuyến cáo các nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ cả giá chào bán và giá giao dịch thực tế.
"Nếu tôi là người đầu tư, tôi phải gặp 10 chủ nhà, giao dịch gần nhất là bao nhiêu. Có nhiều người chào giá 50 triệu nhưng giao dịch thực tế 35 triệu đồng", ông nói và cho biết khách mua nên dành thời gian đi khảo sát thị trường, gặp nhiều môi giới và xác định giá rao bán khu đó có khớp với giá giao dịch hay không trước khi xuống tiền.
Theo Vnexpress