Giá nhà ở TP.HCM rẻ nhất thế giới? - So với thu nhập thì quá đắt

Được cho là có giá nhà rẻ nhất, nhưng nếu so sánh trên bình quân thu nhập thì giá nhà tại TP.HCM quá "đắt" so với các nước trên thế giới.
Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Công ty địa ốc Trường Phát, so sánh theo số liệu công bố thu nhập bình quân đầu người tại TP.HCM khoảng 8.000 USD một năm, ở Kuala Lumpur thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đã là hơn 27.000 USD, gấp hơn 3 lần TP.HCM.
Với giá nhà tại TP.HCM mà CBRE đưa ra trung bình khoảng 103.100 USD/căn, tương đương gần 2,4 tỉ đồng thì người dân TP.HCM mất gần 13 năm thu nhập để mua một căn nhà trong khi người Kuala Lumpur chỉ mất 4 năm thu nhập.
Nếu trừ hết các chi phí về ăn ở, chữa bệnh, đi lại... chỉ còn khoảng 30% thu nhập thì một người dân ở TP.HCM phải mất gần 43 năm thu nhập mới có đủ tiền mua căn hộ, trong điều kiện giá nhà sẽ không tăng. "Nói thế để thấy, dù giá nhà ở TP.HCM có rẻ nhất thế giới thì người dân vẫn phải mất nhiều chục năm, thậm chí cả đời mới mua được cái nhà để ở", ông Dũng nói.

[caption id="attachment_51814" align="aligncenter" width="960"]Giá nhà ở TP.HCM rẻ nhất thế giới?: So với thu nhập thì quá đắt So với thu nhập trung bình của người dân, giá nhà ở tại TP.HCM được xem là khá đắt đỏ[/caption]


Thạc sĩ Huỳnh Phước Nghĩa nói thêm, giá nhà ở tại TP.HCM theo các báo cáo dù thấp hơn một số TP của các nước trong khu vực ASEAN nhưng thu nhập đầu người của chúng ta thấp hơn rất nhiều. Như vậy, nếu xét theo GDP, giá nhà đất của ta cao hơn nhiều. Đáng nói, do thuế, phí, nguyên vật liệu, cộng với yếu tố thị trường dẫn đến giá hiện nay chỉ có thể tăng chứ rất khó giảm. Vì vậy, để cán cân nhà ở cân bằng, chỉ có thể tăng thu nhập của người dân hoặc Chính phủ hỗ trợ về tài chính.
Một nghịch lý theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, 10 năm trước Công ty Đất Lành, Nam Long, Lê Thành, Khang Gia... và nhiều DN khác đều tập trung làm nhà giá thấp thì nay mất hút. Vài năm trước, các sàn kinh doanh BĐS bắt đầu chiến lược mua lại nhà giá thấp để bán như Hưng Thịnh, Đất Xanh, Phúc Khang... thì giờ đây các đại gia đó cũng "từ chối", không ai chịu làm nhà giá thấp. Nguyên nhân khiến các DN không mặn với nhà giá thấp vì lãi rất thấp, chỉ 1 - 2 triệu đồng/m2. Nếu gặp biến cố về tài chính ngân hàng, vật giá, thị trường khó khăn... thì DN phá sản, thua lỗ.
Thực tế khoảng 3 - 4 năm trở lại đây thị trường BĐS gần như vắng bóng các dự án nhà ở giá rẻ, thậm chí nhà ở bình dân. Không những vậy, giá nhà đất cũng bị đẩy lên rất cao. Nếu như trước đây, nhà cao cấp có giá khoảng 30 triệu đồng/m2 thì nay giá đã bị đẩy cao lên gấp đôi.
Lãnh đạo một DN khi bàn về nhà giá thấp đã thẳng thắn nói rằng “khi có được giấy phép xây dựng rồi thì ngu sao làm nhà giá thấp” bởi về mặt thủ tục pháp lý cho nhà thu nhập thấp hay dự án căn hộ cao cấp xin cũng cực khổ như nhau. Cũng phải làm tất cả từ phòng cháy chữa cháy, cao độ, tính kết cấu... giống nhau, trong khi nhà giá thấp lợi nhuận thu được không đáng là bao nhiêu.
“Rõ ràng nhà giá thấp từ số ít người làm đến giờ... không ai làm. Chính quyền phải có chiến lược, phương pháp, làm sao để duy trì nhà giá thấp vì nhu cầu hằng năm cần đến vài chục ngàn căn nhà giá thấp. Chúng ta nên đi học tập, tham quan mô hình nhà ở của Tập đoàn Becamex ở Bình Dương hay nhà giá rẻ mà Tập đoàn Trần Anh xây dựng ở Long An để người nghèo có cơ hội mua được nhà an cư”, ông Đực đề xuất.
Nhiều chuyên gia cho biết, trước đây Chính phủ có gói 30.000 tỉ đồng để hỗ trợ DN xây dựng và hỗ trợ người dân khó khăn về nhà ở, dân nghèo vay vốn mua nhà ở xã hội thì còn một số DN còn mặn mà với nhà giá rẻ. Nay gói tín dụng này đã hết thì không còn DN nào tham gia chương trình này. Đã đến lúc cần có một gói tín dụng khác hoặc một chính sách hỗ trợ DN xây dựng loại hình căn hộ này để hỗ trợ dân nghèo có được căn nhà để ở.

Theo Thanh Niên