UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Trung ương bố trí 400 tỷ đồng để thực hiện 2 tuyến giao thông kết nối với dự án sân bay quốc tế Long Thành.
Ngày 23/4, Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về các vấn đề liên quan dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai).
Ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết theo kế hoạch, sân bay Long Thành sẽ khởi công vào năm 2020. Do vậy, tỉnh kiến nghị Trung ương chấp thuận việc tỉnh thực hiện thu hồi đất và bố trí 400 tỷ đồng làm 2 tuyến giao thông kết nối với dự án.
Người dân sống trong căn nhà xuống cấp ở vùng quy hoạch dự án sân bay Long Thành
Theo ông Vĩnh, nếu không làm đường kết nối sớm thì năm 2020 sẽ không có đường vào thi công sân bay. Tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị Trung ương việc thực hiện rà phá bom mìn sớm để giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Để đảm bảo mặt bằng sạch cho dự án, Đồng Nai đã thực hiện các bước để xây dựng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn và khu tái định cư Bình Sơn vào tháng 9 tới. Tỉnh cũng phê duyệt đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân vùng dự án với kinh phí trên 300 tỷ đồng.
Việc xây dựng tuyến giao thông kết nối, Bộ GTVT sẽ đề cập trong báo cáo cuối kỳ vào tháng 5 tới đây. Bộ cũng xác định việc xây dựng hệ thống giao thông không đơn thuần ở việc nối sân bay với TP.HCM mà cần mở rộng với các vùng.
Trong khi đó, đoàn công tác Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị Đồng Nai nghiên cứu đẩy mạnh phát triển dịch vụ khi dự án sân bay đi vào hoạt động. Đoàn cũng đề nghị tỉnh này huy động thêm vốn làm đường dẫn vào sân bay từ các nguồn lực khác ngoài ngân sách.
Ông Vũ Hồng Thanh (đứng) tại buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai
Tại buổi làm việc, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nói dự án sân bay Long Thành có ý nghĩa lớn với sự phát triển của đất nước. Ông yêu cầu Đồng Nai phối hợp với các cơ quan Trung ương để giải quyết những vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ dự án.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, sẽ có hàng nghìn người dân phải di dời khi xây dựng sân bay nên tỉnh Đồng Nai phải giải quyết tốt vấn đề việc làm, tái định cư và quan tâm đến phát triển vấn đề về văn hóa, công trình tôn giáo.
Sân bay Long Thành nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Long Thành (Đồng Nai), cách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất khoảng 43 km. Dự án có tổng diện tích hơn 5.500 ha, tổng mức đầu tư hơn 336.000 tỷ đồng. Quy mô thiết kế 100 triệu hành khách/năm, 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Sân bay Long Thành được thiết kế quy mô đạt cấp 4F, cấp cao nhất theo xếp hạng của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Dự án sẽ được thực hiện trong 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 đầu tư một nhà ga, một đường cất hạ cánh với công suất 25 triệu khách/năm. Chậm nhất đến năm 2025 phải hoàn thành đưa vào khai thác.
Ở giai đoạn 2 (năm 2035), sân bay Long Thành được nâng công suất lên 50 triệu hành khách/năm và 100 triệu hành khách/năm sau năm 2035 (giai đoạn 3).
Bộ GTVT cho biết tổng mức vốn giải phóng mặt bằng cho dự án này hơn 23.000 tỷ đồng (trên 1 tỷ USD). Trong đó, 18.000 tỷ đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hơn 4.000 tỷ đồngxây dựng khu tái định cư.
Ngoài ra, gần 480 tỷ đồng dùng để tái lập hạ tầng ngoài ranh giới cảng hàng không và 388 tỷ đồng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống người dân.
Theo Zing