Nằm tại vị trí cửa ngõ chiến lược, cách trung tâm Thủ đô 5 -6km, tốc độ phát triển kinh tế, hạ tầng đô thị nhanh, khu vực Đông Bắc Hà Nội được đánh giá là “điểm sáng” thu hút nhiều “ông lớn” bất động sản (BĐS). Và đây cũng chính là thời điểm “vàng” để thị trường khu vực này bứt phá.
Quy hoạch hạ tầng và chính sách của khu vực Đông Bắc được đẩy mạnh
Cuối tháng 9/2017, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội đã chỉ đạo triển khai thực hiện 4 dự án cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống và triển khai giai đoạn 2 dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy gồm cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, Cầu Đuống 2 và Giang Biên. Với sự đầu tư về hạ tầng, hàng loạt dự án khu vực Đông Bắc đã tăng giá và nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, cũng như khách hàng.
Cụ thể, dự án xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên với quy mô đầu tư điểm đầu kết nối với đường Nghi Tàm và đường quy hoạch dọc đê Hữu Hồng, điểm cuối tại nút giao với đường Vành đai 3 và cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 17.000 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành năm 2021.
Quy hoạch hạ tầng phía Đông Bắc Thủ đô được đẩy mạnh trong thời gian tới.
Dự án xây dựng cầu Đuống 2 và đường nối đến địa phận Bắc Ninh: Cầu Đuống 2 dài 0,5 km, rộng 33 m; đường nối đến địa phận Bắc Ninh dài 4,2 km và rộng 48 m. Dự kiến vốn đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng, hoàn thành vào năm 2021. Dự án nhằm hỗ trợ giảm tải cho cầu Đuống cũ đã xuống cấp, kết nối với các tỉnh phía Bắc, đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng cao trên tuyến.
Dự án cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng có Cầu dài 3 km x 20 m, với vốn đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Dự án nhằm kết nối các quận trung tâm với khu vực phía Đông Thành phố, giúp giảm áp lực giao thông cho cầu Long Biên và cầu Chương Dương thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.
Dự án xây dựng cầu Giang Biên và đường dẫn hai đầu cầu với chiều dài khoảng 5.698 m, trong đó cầu Giang Biên dài hơn 2.200 m. Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 6.000 tỷ đồng, thực hiện trong vòng 30 tháng.
Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội đã nghiên cứu, hoàn thiện Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, báo cáo Thành ủy để tổng hợp, trình Bộ Chính trị, đồng thời, hoàn thiện các đề án xây dựng Đông Anh thành quận vào năm 2020. Lên quận đồng nghĩa với hạ tầng, giao thông sẽ được đẩy mạnh phát triển. Đây được xem là đòn bẩy khiến thị trường BĐS tại khu vực này đang biến động từng ngày.
Nguồn cung căn hộ dưới 2 tỷ luôn khan hiếm
Với việc cùng lúc đón nhận được hàng loạt quy hoạch lớn đã góp phần tích cực trong việc thúc đẩy thị trường BĐS phía Đông Bắc Hà Nội “dậy sóng” mạnh mẽ chưa từng có. Bằng chứng là, trong những năm gần đây khu vực này liên tục lọt vào “tầm ngắm” của rất nhiều đại gia BĐS cùng với “đứa con cưng” của mình như: Vingroup, Sungroup, Eurowindow Holding,…
BĐS Đông Bắc Thủ đô đang vào “tầm ngắm” của các “ông lớn”.
Sức hút mạnh mẽ của các ông lớn đổ về phía Đông Bắc Thủ đô, thế nhưng, các chuyên gia BĐS lại cho rằng, khu vực này đang mất cân đối cung cầu tại phân khúc nhà ở dưới 2 tỷ. Các sản phẩm tại Đông Bắc Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 10% nguồn cầu. Đây cũng là bài toán nan giải đang được các chuyên gia quan tâm. Trong khi đó, với những lợi thế về địa thế, phong thủy, quỹ đất dồi dào và quy hoạch hạ tầng được đẩy mạnh, dòng người đổ về khu vực Đông Bắc Hà Nội ngày càng nhiều.
Xét tổng thể những yếu tố trên, các chuyên gia cho rằng: Đây chính là thời điểm “vàng” cho các khách hàng có nhu cầu nhà ở thực sự và những nhà đầu tư thông thái “xuống tiền” đầu tư vào các dự án trong khu vực này.
Theo khảo sát của CenLand, nửa đầu năm 2019, số người tìm kiếm BĐS tại Đông Anh tăng mạnh, gấp từ 1,5 đến 2 lần so với những tháng cuối năm ngoái. Đông Anh cũng nằm trong top những địa phương có số người tìm kiếm BĐS lớn của cả nước. Đặc biệt, từ quý I/2017 đến quý I/2019, giá đất tại Đông Anh tăng từ múc trung bình 12 triệu lên 16 triệu đồng mỗi m2 (tùy khu vực).
Theo Vietstock